Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chuyện “gieo” chữ nơi vùng cao Hà Quản
  

Mỗi buổi tối, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, tại xóm biên giới Nặm Đông, xã Cần Nông (Hà Quảng), từng tốp người già, người trẻ cầm theo đèn pin rảo bước đến nhà văn hóa xóm để tham gia lớp xóa mù chữ (XMC). 

Nhiều tháng nay, nhà văn hóa của xóm biên giới Nặm Đông luôn sáng đèn, tiếng ê, a tập đánh vần, phát âm chữ cái vang lên từng nhịp trong trẻo, bay bổng. Các học viên tham gia lớp học có tuổi đời từ 28 - 50, nhiều người nhà ở xa lớp học nhưng chưa lần nào vắng mặt hay đến muộn.

Chị Lộc Thị Vá, một trong những học viên tích cực nhất của lớp chia sẻ: Hằng ngày tôi cùng gia đình lên nương lên rẫy trồng ngô, trồng sắn, vất vả lắm mới đủ ăn. Ngày trước nhà nghèo quá không được đi học, không biết chữ, mọi giao tiếp bị hạn chế, muốn quan tâm đến việc học hành của con cái cũng là điều không thể. Vì thế khi biết trong xóm mở lớp này, tôi quyết tâm đi học để thoát khỏi cảnh mù chữ. Được học chữ tôi rất vui, giờ biết làm toán, biết đọc chữ, cảm ơn các thầy cô nhiều lắm.

 

Không những vậy, trong quá trình tham gia học tập trên lớp, chị Vá và các học viên được thầy cô dạy thêm nhiều kỹ năng sống, cách giao tiếp và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên mọi người đều phấn khởi, vui mừng. 

Các học viên tham gia lớp học xóa mù tại xóm Nặm Đông, xã Cần Nông (Hà Quảng).
Các học viên tham gia lớp học xóa mù tại xóm Nặm Đông, xã Cần Nông (Hà Quảng).

Lớp XMC tại xóm Nặm Đông kéo dài trong 6 tháng, được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, bắt đầu từ 20 - 22 giờ. Cả lớp có 26 học viên, đa phần là phụ nữ dân tộc Mông và Dao, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ gian nan hơn với các giáo viên tham gia đứng lớp. Để lớp học đạt hiệu quả cao, các cô giáo nghiên cứu tài liệu phù hợp với học viên và tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản nhất, giải nghĩa từng từ và đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Theo đó, chương trình giảng dạy tại các lớp xóa mù tương đương kiến thức của học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 gồm các bộ môn toán, tiếng việt, khoa học xã hội, được xây dựng sát với thực tế đời sống của bà con.

Cô giáo Hoàng Thị Nga, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học và THCS Cần Nông (Hà Quảng) chia sẻ: Với đặc thù bà con có rất nhiều trình độ khác nhau, khi giảng dạy, chúng tôi vẫn bám sát theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên có biên soạn riêng, chia nhóm theo trình độ để hướng dẫn học viên. Đôi khi phải kết hợp sử dụng tiếng dân tộc các học viên mới hiểu được, nhất là môn toán, khoa học xã hội, phải dùng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Đến nay, cơ bản các học viên đã biết viết và biết tính toán trình độ từ lớp 1 đến lớp 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trường tiếp tục mở các lớp 4, 5 và sau lớp này nhà trường sẽ khảo sát, tuyên truyền, vận động để các học viên học tiếp trình độ nâng cao.

Giờ đây, đa số học viên của lớp xóa mù tại xóm Nặm Đông đã biết đánh vần, đọc các bài thơ, đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ nhân chia với 2 chữ số. Những nét chữ dù còn nguệch ngoạc, những tiếng đánh vần vẫn còn ngọng nghịu, thế nhưng “ánh sáng” từ những lớp học XMC chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới, khi bà con được tiếp cận gần hơn với thông tin. Ước mơ về một ngày mai tươi sáng của bà con vùng biên giới đầy khó khăn sẽ không còn xa nữa. Bắt đầu làm quen với từng con chữ, phép tính không phải điều dễ dàng, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng từng ngày, bởi tất cả đều có chung một ước mơ biết đọc, biết viết để vận dụng vào cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thực hiện công tác XMC cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hà Quảng mở được 6 lớp XMC với 137 học viên tham gia, tỉ lệ hoàn thành lớp học giai đoạn 1 tương đương lớp 1, 2, 3 đạt 100%. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác XMC; đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học XMC phù hợp với các nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác XMC; tập trung nguồn lực để mở thêm nhiều lớp XMC trong thời gian tới. Đồng thời, bố trí nguồn lực mở các lớp bồi dưỡng kiến thức (chủ yếu là đọc và viết) cho các đối tượng để học viên không tái mù chữ.

 

Thế Hiển (baocaobang.vn)
Tin tức
Đăng nhập